Chỉ khi nào chính sách tín dụng được mở thị trường mới có thể khởi sắc. Ảnh: Hoàng Lan
Theo các văn phòng môi giới, giao dịch đất nền nói riêng và thị
trường nói chung đều rất trầm lắng. Ông Lý Mạnh, Phó tổng giám đốc Công ty bất động sản Hoàng
Vương lý giải, thị trường tiếp tục đi xuống do tín dụng cho địa ốc vẫn bị kiểm soát. Chính
sách siết tín dụng thít cả đầu vào lẫn đầu ra nên nhà đầu tư không bán được hàng và buộc phải
giảm giá để kích cầu. Mặc dù giảm giá bán, song ông Mạnh cho rằng, các dự án bán ra vẫn ở mức
quá cao vượt quá khả năng của những người có nhu cầu thực.
"Lúc này, các nhà đầu tư khó khăn về vốn nên án binh bất động, dẫn đến thị trường ế ẩm. Hầu
hết trên thị trường mới chỉ giảm giá chênh nên nhìn chung, giá cả vẫn còn rất cao", ông Mạnh
cho hay.
Ngoài ra, theo ông Mạnh, ngày 26/7, Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây
dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng nghĩa với khoảng 500 dự án sẽ
được xem xét thông qua. Đây sẽ là dấu hiệu cho thấy nguồn cung trên thị trường có khả năng
tăng lên. Các chủ đầu tư sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn và đồng nghĩa với việc chủ đầu tư
phải chịu áp lực giảm giá khi nguồn cung quá nhiều.
Theo ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land, trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều nhà
đầu tư lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng thay vì đầu tư bất động sản. Cụ thể, giá sử có một tỷ
đồng, nếu gửi ngân hàng với lãi suất 18% mỗi năm, khách hàng có thể thu được khoảng 15 triệu
đồng mỗi tháng. Trong khi đó, với số tiền trên, để mua được lô đất nền liền kề hoặc biệt thự
là rất khó khăn.
Trường hợp giảm giá là các dự án đang trong giai đoạn đóng tiến độ.
Biệt thự, liền kề ở các khu đô thị có cơ sở hạ tầng ổn định như Trung Hòa Nhân Chính, Linh
Đàm, hầu như không có hiện tưởng giảm. Do đó, ông Hà nhấn mạnh, khi cơ sở hạ tầng ở các khu
vực phía Tây và phía Đông phát triển, giá đất sẽ đi vào trạng thái ổn định. "Mặc dù giảm giá
khá mạnh so với đầu tháng, song tôi cho rằng càng giảm giá sâu, thị trường bất động sản sẽ bật
lên càng mạnh", ông Hà lạc quan.
Theo ông Hà, người dân Hà Nội vẫn đang đầu tư theo tâm đám đông. Trong khi thị trường đi
xuống, không ai muốn đầu tư vì đang chờ đợi nghe ngóng. Cơn sốt đất ở Sóc Sơn, Mê Linh, Ba Vì
khiến nhiều người e dè và thận trọng hơn trong quá trình ra quyết định. Còn những người có nhu
cầu thực thì chờ thị trường tiếp tục chạm đáy mới ra quyết định mua. "Sự chờ đợi nghe ngóng
của nhà đầu tư càng làm thị trường tiếp tục trầm lắng. Chỉ khi nào chính sách tín dụng được mở
thị trường mới có thể khởi sắc", ông Hà cho hay.
Ngược với Hà Nội, đất nền ven TP HCM lại hút khách. Trong khi nguồn cung căn hộ tại có dấu
hiệu chững lại thì đất nền vùng ven Sài Gòn và các tỉnh lân cận Đồng Nai, Bình Dương, Long An
vẫn tung hàng ồ ạt và được nhà đầu tư quan tâm đặt mua. Trong quý 2, nguồn cung đất nền, nhà
phố, biệt thự vùng ven cũng tăng lên đáng kể.
Trong tháng 7, tại Hội chợ Vietbuild dự án khu đô thị mới Phước An, Đồng Nai được Công ty Phúc
Khang chào bán và có 50 giao dịch thành công. Trong 2 tuần sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu là
nền đất nhà phố liên kề, biệt thự với giá giao dịch từ 2,3 đến 3,5 triệu đồng mỗi m2, khá mềm
so với mặt bằng chung. Thành phần khách hàng đặt mua nền đất gồm: tiểu thương, tài xế, công
nhân... và không có trường hợp nào phải vay vốn để đầu tư hay sang nhượng lại sản phẩm.
Đất ven TP HCM khá hút khách. Ảnh: Vũ Lê
Hôm 16/7, hơn 200 khách hàng đã đến dự buổi công bố 100 nền đất và
khảo sát thực tế dự án The IJC Commercial Town tọa lạc tại tỉnh Bình Dương. Dự án Green
Town cũng tại Bình Dương lại tung hàng theo chiến lược nhỏ giọt, mỗi tuần tung ra khoảng
12 sản phẩm nhưng có đến 80% sản phẩm đã giao dịch thành công.
Ngày 26/6, Công ty Becamex IJC đã công bố dòng sản phẩm nhà phố (đất kèm nhà) của dự án
Đông Đô Đại Phố (Bình Dương), tại TP HCM cũng thu hút hàng trăm khách hàng tìm hiểu cơ
hội đầu tư. Dự án này được xây dựng trên khu đất 26 ha, với tổng vốn đầu tư hơn
6.500 tỷ đồng. Theo chủ đầu tư, đây là khu phức hợp gồm nhiều hạng mục như nhà phố liên
kế, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn…
Vào giữa tháng 6/2011 Công ty bất động sản Đất Xanh mở bán dự án đất nền The Five Star,
hơn 400 sản phẩm đất nền đã được khách hàng mua hết với giá 6 triệu đồng mỗi m2. Chủ
tịch HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Đất Xanh, Lương Trí Thìn cho hay, toàn bộ hoạt động hợp
tác đầu tư dự án khu đô thị này sẽ mang về cho công ty doanh thu 118 tỷ đồng và 60 tỷ
đồng lợi nhuận.
Bên cạnh cuộc chạy đua tung hàng của các tỉnh giáp ranh TP HCM, các quận huyện vùng ven
Sài Gòn cũng có nguồn cung nhà phố và biệt thự khá lớn chuẩn bị tung hàng. Thống kê của
Công ty Savills Việt Nam, TP HCM có ít nhất 124 dự án tương lai trên tổng diện tích
8.500 ha với hơn 54.700 biệt thự, nhà phố sẽ gia nhập thị trường trong 5 năm tới. Phần
lớn dự án tương lai tập trung tại các quận ngoại thành, nơi có diện tích đất trống lớn
như Củ Chi, Thủ Đức, Bình Chánh, Tân Phú và quận 9.
Lý giải việc thị trường đất nền vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều giới, Tổng giám đốc
Công ty địa ốc ACBR, Phạm Văn Hải nhận xét: "Lượng tiền mặt dự trữ trong dân ở mức
200-300 triệu đồng là rất lớn. Do nhà đất tại TP HCM quá cao không thể đầu tư nổi nên
người dân đã chuyển sang gửi tiền vào đất nền vùng ven có giá mềm".
Theo ông Hải, sở dĩ đất nền vẫn hút khách so với căn hộ trong thời điểm thị trường thiếu
vốn vì tâm lý của người Việt Nam vẫn hướng đến truyền thống, chuộng đất hơn nhà chung
cư. Chuyên gia này phân tích thêm, dòng vốn "chảy" vào đất nền vùng ven hầu như đều rất
nhỏ, dưới 500 triệu đồng, số tiền mà tại TP HCM không thể mua đất hay chung cư nổi. Mặt
khác, sự sụt giảm của thị trường căn hộ chung cư trong thời gian qua phần nào khiến nhà
đầu tư nản lòng.
Theo vnexpress.net