
Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh G20
Còn với Mỹ, tại Yokohama, Tổng thống Barack Obama sẽ thúc đẩy thỏa thuận tự do thương mại khu vực. Thỏa thuận được gọi là Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 9 nước, là bước đầu hướng tới một khu vực tự do mậu dịch toàn APEC. TPP nhắm mục đích chấm dứt thuế nhập khẩu cho một nhóm các quốc gia trong đó có Australia và Nhật Bản. Washington hy vọng một thỏa thuận như vậy sẽ dẫn tới mục tiêu rộng lớn hơn về tự do thương mại trong tất cả 21 nước APEC. Nhưng chính phủ Nhật vấp phải sự chống đối gay gắt của các nông gia cho rằng bất kỳ một hiệp định nào như thế cũng sẽ làm tăng sự cạnh tranh và kéo giá cả xuống thấp.
Các vị bộ trưởng ngoại giao và thương mại đã gặp nhau 9 và 10/11 cũng đưa ra lời cam kết trước đó là hạn chế các rào cản thương mại trong 3 năm sắp tới. Họ cũng cam kết hoàn tất vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm tới. Các cuộc đàm phán ở Doha nhắm mục tiêu tăng cường mậu dịch toàn cầu, nhất là cho các nước nghèo.
Là một thành viên của APEC, tại hội nghị thượng đỉnh APEC lần này, Việt Nam tiếp tục cùng các thành viên tích cực tham gia thảo luận, bàn thảo nhằm đóng góp vào mọi chủ đề then chốt của Hội nghị, nhất là việc xây dựng chiến lược tăng trưởng, thúc đẩy liên kết khu vực và tương lai của APEC.
Dư âm của G20
Vào lúc kết thúc hội nghị kéo dài 2 ngày của các nhà lãnh đạo nhóm 20 nền kinh tế lớn ở Seoul, ông Obama nói rằng các nhà lãnh đạo G20 đã đạt được tiến bộ thực sự. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh là có một sự đồng thuận chung cùng đi theo con đường vực dậy kinh tế toàn cầu khi các nước đã đồng ý tiếp tục đưa thế giới tiến tới tăng trưởng cân bằng và bền vững, mặc dù còn nhiều việc phải làm để giải quyết những bất đồng về tỷ lệ hối đoái và cán cân mậu dịch.
Bản tuyên bố chung kết thúc thượng đỉnh G20 - nhắc lại lời cam kết của các cường quốc kinh tế trên thế giới là tránh mọi hành động phá giá tiền tệ để cạnh tranh, và sẽ cùng phối hợp tạo điều kiện để cho thị trường quyết định tỷ lệ hối đoái chứ không áp đặt theo quyền lợi riêng – được cho là không có gì mới.
Về phía Mỹ, Tổng thống Obama lên đường sang Nhật Bản tham gia hội nghị APEC với tuyên bố mạnh mẽ là “cần kiểm soát mạnh hơn tình hình kinh tế thế giới”, nhưng Mỹ đã không thành công trong việc đạt tới một thỏa thuận tự do mậu dịch với Hàn Quốc.
Tranh cãi quanh vấn đề đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng vẫn còn đó và ông Obama thừa nhận: “Thảo luận về hối xuất tiền tệ quả là không dễ dàng, nếu so với khi tôi mới đắc cử, được 65% dân chúng Mỹ ủng hộ”. Tổng thống Mỹ cho rằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục bị định giá thấp là điều khiến Mỹ và các đối tác thương mại khác phiền lòng. Còn Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, dù cam kết với lãnh đạo Mỹ là sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ, nhưng cảnh báo là “cần điều kiện môi trường bên ngoài thuận lợi”.
Chẳng những thất bại trong việc thuyết phục Trung Quốc phải nâng cao giá đồng bạc của họ, ông Obama còn bị thế giới chỉ trích về chủ trương bơm thêm 600 tỉ USD mua trái phiếu, khiến nạn lạm phát gia tăng.
Như vậy, hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Seoul, nơi các cuộc thảo luận về sự mất cân bằng thương mại cũng như những căng thẳng về vấn đề tiền tệ đã chi phối các cuộc thảo luận. Những vấn đề này dự kiến cũng được đặt ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của hội nghị APEC.
(Theo dantri.com.vn)